Cổ phiếu dệt may chờ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, tạo cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành dệt may. Song, việc gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho triển vọng của cổ phiếu dệt may chưa thực sự rõ ràng.
* Gián đoạn chuỗi cung ứng
Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm tới 13,4% so với cùng kỳ 2019, đạt 15,68 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng chung đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Riêng với ngành may mặc, trong quý I/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng ở mức nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020, tiếp tục trượt giảm ở quý II/2020, cùng với đó thời gian mở LC cũng phải kéo dài do dịch bệnh.
Nhằm giảm tối đa khó khăn thị trường, một số doanh nghiệp có nguyên liệu phù hợp đã chuyển đổi một phần năng lực sản xuất sang may khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Như trường hợp của Công ty cổ phần May Sông Hồng, việc đối tác Mỹ là New York & Company nộp đơn phá sản khiến cho doanh nghiệp mất đi đơn hàng lớn. Trước đó, doanh thu của New York & Company chiếm khoảng 13% tổng doanh thu hằng năm của May Sông Hồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu tuần của May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) giảm 12% so với cùng kỳ 2019, đạt 1.902 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 122 tỷ đồng.
Nhằm giảm tối đa khó khăn thị trường, một số doanh nghiệp có nguyên liệu phù hợp đã chuyển đổi một phần năng lực sản xuất sang may khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Tính riêng tháng 7, doanh thu của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) giảm 11%, nhưng lợi nhuận tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019,do biên lợi nhuận của đơn hàng khẩu trang và quần áo y tế.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý III/2020, nhưng biên lợi nhuận chưa được cao so với đơn hàng truyền thống, khi có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư như đơn hàng FOB, ODM.
Nếu trong giai đoạn tới, khi xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm, do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới sẽ khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa vào những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt hơn 2.907 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 8,8%, may mặc chỉ tăng 0,8%. Con số này đồng nghĩa với việc may mặc chưa phải là ưu tiên của người dân trong bối cảnh hiện nay.
* Loay hoay bài toán xuất xứ
Trước khó khăn do dịch bệnh, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam, được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu, tạo cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp dệt may.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA còn tạo động lực chuyển dịch từ cho ngành dệt may Việt Nam chuyển từ may gia công CMT có giá trị gia tăng thấp sang may theo phương thức FOB tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, từ đó cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Song, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây là Hiệp định EVFTA quy định rất khắt khe về nguyên liệu và quy trình sản xuất.
Nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam, hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa rõ ràng được vấn đề về vùng nguyên liệu.
Thông tin từ Công tin cổ phần Chứng khoán SSI chỉ ra, trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) có thị phần xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất về doanh thu, với 53%; tiếp theo là Công ty cổ phần Sản xuất thương mại May Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC), với khoảng 40%. Vậy nhưng May Sài Gòn đang phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng nghĩa là không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của Hiệp định EVFTA.
Để chủ động đáp ứng yêu cầu xuất khẩu theo quy định của Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.
Đơn cử như May Sông Hồng đã đầu tư, xây dựng Nhà máy Sông Hồng 10, nhằm hình thành nguồn lực tăng trưởng trong dài hạn, dự kiến nâng tổng công suất thiết kế lên 24%, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của công ty.
Tuy nhiên, việc New York & Company phá sản lại đặt ra thách thức cho doanh nghiệp này trong việc tìm nguồn khách hàng thay thế. Lúc này, việc phát triển nhà máy phải đi đôi với mục đích hỗ trợ kế hoạch doanh thu của công ty. Hay nói cách khác, việc đóng góp của nhà máy vào tăng trưởng còn tùy thuộc khả năng thu hút khách hàng mới trong tương lai.
Chưa kể, tình hình dịch bệnh tại Mỹ và EU (hai thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới) chưa có dấu hiệu được kiểm soát, khiến cho triển vọng của ngành dệt may Việt Nam, cũng như cổ phiếu dệt may chưa thực sự rõ ràng.
SSI cũng nhận định, Hiệp định EVFTA chưa mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may Việt Nam. Việc các công ty dệt may nội địa có thể hưởng lợi từ Hiệp định này phụ thuộc sẽ vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam./.
Nguồn: Bnews.vn
Các bài viết khác
Ngành dệt may gặp nhiều thách thức
Thời gian qua, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn thứ hai của Đồng Nai. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu ngành này trong...
Đọc tiếp →Tương lai ngành dệt may Việt Nam
Đơn hàng tăng trở lại, dệt may kỳ vọng vượt khó
Đọc tiếp →-
Tương lai ngành dệt may Việt Nam
13/05/2021 - 11:44 AM
-
Ngành dệt may gặp nhiều thách thức
02/10/2020 - 11:59 PM
-
Cổ phiếu dệt may chờ hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA
02/10/2020 - 11:50 PM